Cách chiết hoạt chất ngừa ung thư từ cây thông đỏ Đà Lạt

Cách chiết hoạt chất ngừa ung thư từ cây thông đỏ Đà Lạt

Với mẫu cành non và lá cây thông đỏ trồng ở Đà Lạt sấy ở nhiệt độ 500C và nghiền thành bột thô, các hóa chất,… nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, Công ty CP Y dược phẩm - Vimedimex, Trung tâm Sâm và Dược liệu đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu hoàn thiện và đồng bộ hóa quy trình chiết tách hoạt chất trong cây thông đỏ bằng nhiều kỹ thuật khác nhau để làm thuốc điều trị ung thư.

 

Theo ông Bùi Thế Vinh, Trung tâm Sâm và Dược liệu, đề tài hướng đến mục tiêu nghiên cứu quy trình công nghệ chiết tách hoạt chất trong thông đỏ bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như chiết tách theo công nghệ truyền thống, chiết siêu âm hoặc kỹ thuật CO2 siêu tới hạn, tất cả đều nhằm tối ưu hóa công nghệ mang lại hiệu quả cao. 
 

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2008, toàn cầu có khoảng 7,6 triệu người chết vì bệnh ung thư. Hiện nay số người mắc bệnh lên đến 25 triệu người và dự đoán vào năm 2020 có khoảng 30 triệu người mắc bệnh. 

Tại Việt Nam, có khoảng 200 ngàn người mắc bệnh hàng năm và có khoảng 150 ngàn người chết. Mỗi năm phải tốn hàng triệu USD để nhập thuốc điều trị ung thư. Trong đó, taxol (paclitaxel) là thuốc chủ lực trong các phác đồ điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, ung thư buồng trứng và ung thư biểu mô vú. Do vậy, việc phát hiện cây thông đỏ lá dài (viết tắt là thông đỏ) và đã trồng thành công ở Lâm Đồng để làm nguồn nguyên liệu chiết tách tiền chất 10-DAB và taxol là cần thiết cho việc chủ động nguyên liệu làm thuốc trong nước. 

Theo nhóm nghiên cứu, từ các kết quả thực nghiệm quy mô phòng thí nghiệm và pilot cho thấy, ở quy mô phòng thí nghiệm, hàm lượng 10-DAB III và taxol lần lượt là 0,25109mg/g và 0,09872mg/g với điều kiện áp suất 300 bar, tốc độ dòng 20g/phút, nhiệt độ 600C và không có đồng dung môi ethanlol. 

Ở quy mô pilot, hàm lượng 10-DAB III và taxol lần lượt là 0,09281mg/g và 0,0128mg/g với điều kiện áp suất 295 bar, tốc độ dòng 3,13l/phút, nhiệt độ 600C và không có đồng dung môi ethanol. Nhưng khi nguyên liệu được ngâm tẩm trước với ethanol hay bổ sung thêm đồng dung môi ethanol làm hàm lượng 10-DAB III và taxol tăng lên rõ rệt: 1,28105mg/g nguyên liệu đối với 10-DAB III và 0,10536mg/g nguyên liệu đối với taxol. 


 

Như vậy, ở quy mô pilot, quy trình trích ly hoạt chất cần phải bổ sung đồng dung môi ethanol. Các thông số đưa ra từ phương trình hồi quy và quá trình chuyển đổi quy mô từ phòng thí nghiệm sang pilot là hợp lý. 

Các điều kiện trích ly đạt được hiệu quả cao ở quy mô pilot lần lượt là áp suất 295 bar, tốc độ dòng CO2 3,13l/phút, tốc độ dòng đồng dung môi ethanol 0,25l/phút, nhiệt độ trích ly 600C, 4kg nguyên liệu được ngâm trước trong ethanol và thời gian trích ly 4 giờ. 

Các kết quả nghiên cứu nói trên có ý nghĩa rất lớn, góp phần vào việc chủ động nguyên liệu làm thuốc theo đúng chủ trương của nhà nước nêu rõ trong Quyết định số 61/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 “Nghiên cứu khai thác và sử dụng có hiệu quả các hoạt chất thiên nhiên chiết tách, tổng hợp hoặc bán tổng hợp được từ các nguồn dược liệu và tài nguyên thiên nhiên quý báu là thế mạnh của nước ta, phục vụ tốt công nghiệp bào chế một số loại thuốc đặc thù của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh và xuất khẩu”.

Được đăng vào

Bài viết liên quan

Viết bình luận