Hà Nội mỗi năm phát sinh trên 1 triệu tấn rơm rạ, từ ngày có bếp gas, bếp điện hầu như không mấy ai còn đun rơm nên phần lớn đều đốt bỏ ngoài đồng…
Thực tế cấp thiết
Đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường, khói bụi cản trở giao thông có thể gây tai nạn lại lãng phí rất lớn một nguồn tài nguyên quý. Bởi thế, tìm tòi ra các cách xử lý rơm rạ hợp lý là nhu cầu bức thiết của ngành nông nghiệp Thủ đô. Trong vụ xuân năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã thực hiện mô hình xử lý rơm rạ tại huyện Thanh Oai, nơi có diện tích gieo cấy lúa mỗi vụ trên 6.000 ha, cơ bản đã được dồn ô đổi thửa, thuận lợi cho việc gieo cấy, chăm sóc và sản xuất tập trung quy mô lớn.
Đỗ Động là xã được chọn nhờ diện tích đất gieo cấy mỗi vụ trên 400 ha, trong đó diện tích Bắc thơm số 7 chiếm 70%, HTX đã và đang liên kết với các đơn vị tổ chức tốt khâu dịch vụ lúa gạo, đem lại hiệu quả kinh tế khá cho bà con. Tuy nhiên, vấn đề xử lý rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lại chưa có cách làm hiệu quả. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết cụ thể mà nông dân sẽ chọn lựa biện pháp xử lý. Nếu ở vụ mùa, sẽ đốt ngay tại ruộng để tranh thủ trồng cây vụ đông, tận dụng lấy tro, còn vụ xuân vứt ngay cạnh bờ kênh, mương gây tắc nghẽn.
Yêu cầu của mô hình là thực hiện gọn vùng ở nơi chủ động tưới tiêu, thuận tiện cho việc tham quan học tập; Cơ sở phải chỉ đạo được khâu làm đất và tổ chức xử lý chế phẩm tập trung, đúng quy trình kỹ thuật; Phải có đối chứng để theo dõi, so sánh, đánh giá kết quả; Cam kết chưa được nhận hỗ trợ từ bất cứ nguồn kinh phí nào từ ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung mô hình; Các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật trước khi thực hiện mô hình. Cán bộ chỉ đạo mô hình phải có sổ ghi nhật ký quá trình chỉ đạo thực hiện.
Mô hình đã huy động được 50 ha đất với sự tham gia của 105 hộ ở thôn Trình Xá. Quá trình triển khai thực hiện được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cán bộ Trung tâm Khuyến nông, sự đồng tình ủng hộ của UBND xã, sự hưởng ứng tích cực của Ban giám đốc HTX và bà con. Chế phẩm sinh học được dùng lần này là AT-YTB, liều lượng 200g cho 1 sào (360 m2) bón bằng cách làm ẩm với nước trộn đều với cát, rắc đều trên bề mặt ruộng vẫn còn nguyên rơm rạ, sau đó tiến hành bừa dập rạ, giữ nước thường xuyên để thuận lợi cho vi sinh vật phân hủy. Sau khi xử lý khoảng 2 tuần tiến hành bừa cấy. Lúc đó rơm rạ cơ bản đã hoai mục hoàn toàn làm cho lượng bùn tăng lên, bùn nhuyễn, không còn mùi hôi tanh, dễ cấy hơn so với ruộng đối chứng không bón chế phẩm.
Giống lúa Bắc thơm 7 cấy trong mô hình trên nền ruộng được xử lý rơm rạ sau thu hoạch vụ xuân bằng chế phẩm vi sinh so với cấy tại ruộng không được xử lý chế phẩm có một số đặc điểm như sau: Lúa bén rễ hồi xanh nhanh hơn so với ruộng đối chứng, bộ rễ dài hơn, tỷ lệ rễ trắng cao hơn; Đẻ nhánh sớm, tập trung, số dảnh hữu hiệu cao hơn do vậy số bông/khóm nhiều hơn (tại ruộng bón chế phẩm là 11.5 bông/khóm, ruộng không bón là 11.1 bông/khóm); Lúa cứng cây, gọn khóm và có chiều cao cao hơn (Lúa trong mô hình cao 131.6 cm; ruộng đối chứng không bón cao 128.7 cm); Trỗ tập trung, thoát cổ bông, bông lúa to và dài hơn; Thời gian sinh trưởng ngắn hơn, cụ thể lúa trong mô hình 100 ngày, ruộng đối chứng không bón 102 ngày nhưng năng năng suất lại cao hơn không bón 360 kg/ha và cho hiệu quả kinh tế cao hơn 1.450.000đ/ha.
Theo: nongnghiep.vn
Bình luận
ephenny
Viết bình luận