"Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Câu thơ của Bác Hồ đã thấm sâu vào tâm trí của hàng triệu trái tim con người Việt Nam, đã trở thành một nét đẹp của văn hóa Việt Nam, mỗi dịp xuân về là “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trồng cây, gây rừng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Truyền thống đó đã mang lại những giá trị thực tiễn, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Nhớ lại, bài viết “Tết trồng cây” của Bác đăng trên báo Nhân Dân số 2082 ra ngày 28.11.1959, Người đã chính thức khởi xướng và phát động phong trào “Tết trồng cây”, Bác nêu rõ mục đích trước mắt và lâu dài của việc trồng cây: “Từ năm 1960 - 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Sau khi phát động phong trào, Tết Nguyên đán năm ấy Bác là người đầu tiên và gương mẫu thực hiện. Bác đã trồng cây đa tại công viên Thống Nhất (nay là Công viên Lênin) vào ngày 11.1.1960, mở đầu cho phong tục mới vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây.
Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời đã bước vào nhiều mùa xuân mới. Sự nêu gương mẫu mực của Bác trong thực hành trồng cây là nguồn cảm hứng vô tận để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Thấm nhuần lời dạy của Người về việc trồng cây, mùa xuân năm 2021, chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” được phát động tại Tuyên Quang theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh là chương trình vô cùng ý nghĩa như Bác Hồ từng chỉ rõ, việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường bền vững của cả nước.
Xuân Tân Sửu 2021, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Tại Nghệ An quê hương của Người tổ chức ngày 19/2/2021 (tức ngày mồng 8 tháng Giêng năm Tân Sửu 2021) tại hành lang đường vào Khu mộ Vua Mai Hắc Đế, Thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn. Trồng cây mùa Xuân năm nay khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng hàng năm của mọi tầng lớp nhân dân. Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây hậu quả nặng nề đối với đời sống, đang đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài.
Dịp mồng 6 Tết Nguyên Đán, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Đô Lương... đồng loạt tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ Bác Hồ".
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (gọi tắt Khu di tích Kim Liên) là một trong những di tích đặc biệt quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam, là nơi lưu niệm những di tích, di vật gắn liền với quê hương gia đình thời niên thiếu và chứng kiến hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê, đã có hàng ngàn cây xanh được trồng không những trong dịp mùa xuân mà còn được thực hiện thường xuyên để du khách về thăm quê hương của Người được đi dưới những bóng cây râm mát trong mùa hè đổ lửa, được đi dưới hàng dâm bụt mang đậm nét quê do chi đoàn Khu di tích Kim Liên trồng và chăm sóc hay ngắm những vườn hoa Ban tím, những cây Điệp vàng rực rỡ, hàng hoa Ngọc Lan tỏa hương dịu ngọt trên đường lên mộ Bà Hoàng Thị Loan, hương Bưởi nồng nàn cho du khách cảm giác yên bình...
Ở khu vực làng Sen quê nội, ngoài khuôn viên cây xanh, cây cảnh, trong di tích, khu trưng bày, nhà tưởng niệm, Khu di tích đã có quy hoạch khu công viên cây xanh với diện tích 3 ha để cho các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khi về thăm quê Bác được trồng cây lưu niệm. Hiện nay vườn cây tại Khu di tích Kim Liên đa dạng phong phú do các cơ quan, tổ chức, cá nhân trồng tặng như vườn cam Xã Đoài của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; vườn bưởi Diễn, hoa ban tím, tre Mai Cần của Quân Khu 4, hoa Ngọc Lan của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An trồng tại Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, vườn điệp vàng của Hiệp hội du lịch tỉnh Nghệ An... những cây cổ thụ tỏa bóng xanh tươi như cây đa của đồng chí Trường Chinh trồng năm 1976, cây Vú sữa của đồng chí Phạm Văn Đồng, cây Phượng vỹ của đồng chí Tanhia – Đại sứ Cu Ba...
Mùa Xuân muôn hoa đang khoe sắc tại đây như đón chào khách tham quan về thăm quê hương Bác, mỗi loại đều có nét đẹp riêng nhưng thu hút bao ánh nhìn thích thú của du khách. Hiện nay Khu di tích Kim Liên đã trở thành một không gian tiêu biểu xanh sạch đẹp trong hệ thống di tích tại tỉnh Nghệ An. Ngoài ra Khu di tích Kim Liên còn phát động các tổ chức đoàn thể tham gia hưởng ứng phong trào trồng cây và bảo vệ rừng trong khu vực quản lý.
Viện nghiên cứu cây Đàn hương và thực vật quý hiếm trồng tặng Khu di tích Kim Liên cây Đàn hương ba năm tuổi, có chiều cao 1,6m
Đến với Kim Liên với bầu không khí trong lành, du khách sẽ thăm những ngôi nhà tranh giản dị gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh bao kỷ niệm tuổi thơ, thăm Khu mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Đại Huệ, Thăm khuôn viên bảo tàng với muôn hoa khoe sắc, không gian hài hòa đẹp đẽ chắc chắn sẽ góp phần làm dịu đi cái nắng nóng gió Lào mùa hè ở xứ Nghệ, làm giảm đi cái mệt nhọc của du khách bốn phương khi hành hương về quê Bác.
Một mùa xuân mới lại bắt đầu. Người dân khắp nơi hồ hởi tham gia Tết trồng cây. Cây đã được trồng khắp mọi miền Tổ Quốc ...Vì lợi ích 10 năm trồng cây! bởi có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương!
Bùi Thị Đảm
Phòng Tuyên truyền giáo dục
Nguồn: http://www.khuditichkimlien.gov.vn/vi/tet-trong-cay-tren-que-huong-bac-ssn10566.html
Bình luận
slopusA
Goatize
Viết bình luận