Phân bón Đa Lượng cung cấp các loại dinh dưỡng chính để cây trồng phát triển, nhóm này gồm có 3 thành phần chính là: Đạm (N), Lân (P) và Kali (K). Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về các loại phân bón đa lượng và tác dụng của chúng đối với cây trồng nhé.
Phân đạm
Phân đạm là các loại phân bón vô cơ cung cấp đạm cho cây. Đạm là chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với cây, là nguyên tố tham gia vào thành phần chính của protit, clorophin, các enzym, axit amin cùng nhiều loại vitamin trong cây.
Đạm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây, giúp cây ra nhánh, ra lá nhiều, lá cây có kích thước to, màu xanh, quang hợp mạnh, do đó làm tăng năng suất cây.
Các loại phân đạm thường dùng gồm có:
1. Phân amoni nitrat (NH4NO3):
Phân amoni nitrat có chứa 33 – 35% N nguyên chất, phân này ở dưới dạng tinh thể muối kết tinh có màu vàng xám. Amoni nitrat dễ tan trong nước, dễ vón cục, khó bảo quản và khó sử dụng, là loại phân sinh lý chua.
Thế nhưng Đạm Amon là loại phân bón quý bởi có chứa cả NH4+ và cả NO3-. Amoni nitrat có thể bón cho nhiều loại cây trồng trên nhiều loại đất khác nhau, đặc biệt thích hợp cho nhiều loại cây trồng cạn như bông, thuốc lá, mía ngô,…
Phân amoni nitrat được dùng để pha thành dung dịch dinh dưỡng để tưới cây tròn nhà kính và tưới bón thúc cho nhiều loại rau, cây ăn quả.
2. Phân Urê CO(NH4)2
Phân urê có 44 – 48% N nguyên chất, là loại phân có tỷ lệ N cao nhất. Trên thị trường hiện có bán 2 loại phân urê có chất lượng giống nhau: Loại tinh thể màu trắng, hạt tròn, dễ tan, hút ẩm mạnh và loại dạng viên, nhỏ như trứng cá, dễ bảo quản và vận chuyển nên được dùng nhiều trong sản xuất nông nghiệp.
Phân urê thích hợp trên đất chua phèn có khả năng thích nghi rộng và có khả năng phát huy tác dụng trên nhiều loại đất và cây trồng khác nhau.
Phân urê khi tiếp xúc với không khí và ánh nắng sẽ rất dễ bị phân hủy và bay hơi nên cần được bảo quản kỹ trong túi polietilen và không được phơi ra nắng nên khi đã mở túi phân urê cần phải sử dụng hết trong thời gian ngắn.
3. Phân sunphat đạm (NH4)2SO4
Phân sunphat đạm có dạng tinh thể, màu trắng ngà hoặc xám xanh, mịn. Phân có chứa 2- -21 % N nguyên chất, 29% lưu huỳnh S. Nhiều nơi gọi đây là phân muối diêm bởi phân có mùi nước tiểu, vị mặn và hơi chua.
Phân này thường ở trạng thái tơi rời, dễ tan trong nước, dễ bảo quản và sử dụng. Tuy nhiên, nếu để trong môi trường ẩm thì phân dễ vón cục, đóng lại thành từng tảng rất khó đem bón cho cây.
Đạm sunphat dùng tốt cho cây trồng trên đất đồi, các loại đất bạc màu (thiếu S). Đây là loại phân thường được dùng để bón thúc và bón thành nhiều lần bởi đạm sunphat phát huy tác dụng rất nhanh đối với cây trồng.
4. Phân đạm Clorua (NH4Cl)
Phân đạm Clorua có chứa 24 – 25% N nguyên chất, dạng tinh thể mịn, màu trắng hoặc vàng ngà. Phân này không bị vón cục, dễ tan trong nước, thường tơi rời nên dễ sử dụng. Đây là loại phân sinh lý chua, vì thế nên bón kết hợp với lân và các loại phân bón khác.
Đạm clorua không nên dùng để bón cho chè, thuốc, lá, bắp cải, khoai tây, hành, tỏi, vừng,… Ở những vùng khô hạn, chân đất nhiễm mặn thì không nên bón phân đạm clorua, bởi ở những nơi này trong đất có thể tích lũy nhiều clo, dễ gây ngộ độc cho cây.
Phân lân
Lân giữ vai trò quan trọng trong đời sống của cây trồng, rất cần cho việc hình thành các bộ phận mới của cây. Lân tham gia vào quá trình tổng hợp các axit amin, kích thích sự phát triển của rễ cây, tạo thêm điều kiện cho cây chống chịu được hạn và ít đổ ngã.
Nguồn phân lân hữu cơ làm tăng đặc tính chống chịu của cây đối với những yếu tố không thuận lợi: chống hạn, chống rét, chống sâu bệnh,… Tuy nhiên cây thừa lân trong một số trường hợp có thể làm cho cây bị thiếu một số nguyên tố vi lượng. Thế nên cần bón thêm phân vi lượng, nhất là Zn.
1. Phân apatit
Phân apatit là loại phân có dạng bột mịn, màu nâu đất hoặc màu xám nâu. Loại apatit giàu có trên 38% lân được sử dụng để chế biến thành các loại phân lân khác, còn loại trung bình (có 17 – 38% lân) và loại nghèo (dưới 17% lân) mới được đem nghiền thành bột để bón cho cây.
Lân trong apatit phần lớn ở dưới dạng cây khó sử dụng. Apatit có tỷ lệ vôi cao nên có thể dùng để khử chua cho đất. Phân này ít hút ẩm và ít biến chất nên sử dụng và bảo quản tương đối dễ dàng.
2. Phôtphat nội địa
Phân phôtphat là loại bột mịn, màu nâu thẫm đôi khi có màu nâu nhạt. Trong phân phôtphat nội địa, các hợp chất lân phần lớn nằm ở dạng khó tiêu đối với cây trồng. Phân có khả năng khử chua bởi có tỷ lệ vôi cao.
Phân phôtphat nội địa chỉ dùng có hiệu quả ở các chân đất chua bởi lân trong phân ở dưới dạng khó tiêu. Phân phôtphat phù hợp để bón lót, không nên dùng để bón thúc.
Phân phôtphat nội địa ít hút ẩm, ít bị biến chất nên có thể cất giữ được lâu. Vì thế, bảo quản tương đối dễ dàng.
3. Supe lân
Supe lân là loại bột mịn màu trắng, xám thiếc hoặc vàng xám, ngoài ra supe lân còn được sản xuất dưới dạng viên. Trong supe lân có 16 – 20% lân nguyên chất, phân dễ hòa tan trong nước nên cây dễ sử dụng. Phân hòa tan nhanh nên đạt được hiệu quả cao.
Supe lân có thể dùng để bón ở các loại đất trung tính, đất kiềm hay đất chua đều được. Phân này thường phát huy hiệu quả nhanh nên người ta thường bón tập trung, bón theo hốc để tăng hiệu lực của phân.
Phân kali
Tác dụng của kali là giữ vai trò quan trọng trong quá trình đồng hóa chất dinh dưỡng ở cây. Tăng khả năng chống chịu của cây đối với những tác động không lợi từ bên ngoài và chống chịu đối với một số loại bệnh.
Kali tăng hàm lượng đường trong quả làm cho màu sắc quả đẹp tươi, hương vị quả thơm và làm tăng khả năng bảo quản của quả, tăng năng suất của cây.
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay người ta chọn cách bón kali cho cây ăn quả giúp cây trồng có năng suất cao. Các giống cây trồng này thường hút nhiều K từ đất nên lượng K trong đất không đủ để đáp ứng nhu cầu của cây. Thế nên để có năng suất cao và chất lượng nông sản tốt thì cần chú ý bón phân kali cho cây.
1. Phân sunphat kali
Phân có dạng tinh thể mịn, nhỏ, màu trắng, dễ tan trong nước, ít hút ẩm nên ít vón cục. Phân Sunphat Kali chứa đến 45 – 50% Kali nguyên chất, bên cạnh đó trong phân còn chứa 18% S.
Sunphat kali có thể sử dụng thích hợp cho nhiều loại cây trồng, hiệu quả cao đối với cây có dầu, thuốc lá, rau cải, chè, cà phê.
Đây là loại phân chua sinh lý, có thể làm tăng độ chua của đất nếu sử dụng lâu trên một chân đất. Không nên bón quá nhiều kali liên tục trong nhiều năm trên các loại đất chua bởi phân có thể làm cây bị ngộ độc kali.
2. Phân clorua kali
Phân clorua kali có dạng bột màu hồng như muối ớt hoặc màu đục, xám trắng. Phân được xử lý kết tinh thành hạt nhỏ. Hàm lượng kali nguyên chất trong phân là 50 – 60% và trong phân còn có một ít muối ăn NaCl.
Phân có độ rời tốt, dễ bón nhưng nếu để ẩm kết dính lại với nhau thì khó sử dụng. Clorua kali có thể dùng để bón cho nhiều loại cây trên nhiều đất khác nhau. Có thể dùng cho bón lót hoặc bón thúc.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu các loại phân bón đa lượng và tác dụng của chúng đối với cây trồng. Bạn cần sử dụng loại phân bón với hàm lượng phù hợp để giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi.
Viện nghiên cứu cây Đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF).
Hotline: 0896 02 02 02 / 0789 035 035 / 0789 150 150
Facebook: https://www.facebook.com/viendanhuong
Viết bình luận